Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Khói hoàng hôn bay


Những sợi chiếu rách rung bần bật mỗi lúc một mạnh, tấm bạt vá chằng vá đụp cũng phần phật, phần phật. Lão Dềnh nhấc cánh cửa bằng tấm phên chui ra ngoài. Màn khói trắng mỏng là là lưng chừng hàng tre xa xa. Sương chiều lành lạnh, ánh hoàng hôn đã không còn đỏ gạch đang lẩn trong mây đen. Phía cuối trời, đôi cánh sếu bay nối nhau khi bóng tối kịp theo gót. Lũ dơi tung mình liệng bắt con mồi đang còn chập choạng, hoảng sợ mất đi ánh sáng. Trên sông, ánh sáng từ gia đình thuyền chài đã lập lòe. Lão đứng nhìn mãi về phía chân trời.

*      *      *

Những chiếc xe chở hàng ầm ù tiếng nổ đang nối đuôi nhau vào chợ, tiếng người nhao nhao mặc cả, giao mời, tranh cãi... Tạo thành dàn âm thanh hỗn độn gấp gáp của phên chợ sớm. Từ xóm Bãi mới, từng toán người đang kéo nhau đi về phía ánh sáng của chợ, âm thanh xe chạy làm họ bước cũng gấp gáp hơn. Vài người đi sau cũng phải chạy, tay vẫn cầm đôi thừng và chiếc đòn gánh. Ánh đèn kéo bóng của họ dài ra, méo mó trên mặt đường: nhanh cái chân lên, chợ tan đến nơi rồi, bỏ mẹ, mệt quá xuýt ngủ quên... Lão đã có mặt ở chợ khi đoàn tàu chay qua tút hồi còi lần hai, cái âm thanh của nó xé toạc tấm bạt che lều và đánh thức lão. Thực ra, lão đã đặt cái áo khoác và cái đòn gánh ở cạnh, nằm ngủ chờ tiếng tàu lần hai. Dạo trước, lão rất khỏe, mỗi khi ra chợ chẳng cần tranh gánh hàng với ai mà người ta vẫn thuê lão gánh, nhưng giờ thì khác rồi, sau trận ốm kéo dài đến nửa tháng, sức lão như bị mất hết, lão phải dậy thật sớm để may ra kiếm được.
Những xọt hàng nặng làm lưng người gánh như oằn lại, cái đòn gánh cứng day day chòm da rát đỏ trên vai. Lão Dềnh ưỡn lưng ra sau cho nó đỡ mỏi nhưng dường như tư thế ấy chẳng giúp lão được bao lâu, mà cái thành sọt cứ không ngớt cứa sát vào chỗ lưng tật của lão. Lão ho và ra hiệu cho người đi sau đổi vai. Ánh áng dần đã tỏ, chợ sớm cũng tan, chỉ còn lại rác và rác trên bãi chợ. Lão ngồi nghỉ cũng thấy đã, giá có ai mời một miếng trầu hay điếu thuốc thì..., con ho làm lão bật người, gạt ngay ý nghĩ vừa hiện. Lão uể oải phủi đít quần đứng lên. Đoàn tàu lại vang lên cảnh báo cho những vật nằm trên đường đi của nó. Một ngày mới được tiếp tục.
Lão trở về túp lều của mình và ngủ vùi đi, cơn ho giật lão tỉnh lại. Lão ngồi dậy và nhìn không hồn vào cái chiếu bị rách, gió đưa phần phật những sợi chiếu te tua. Lão lại ho, vớ cái chai nước đưa lên miệng tu ừng ực, cái yết hầu của lão lên xuống theo dòng nước xối xả vào cái cuống họng. Lão nghe thấy có tiếng kèn đưa ma thoang thoảng theo gió. Lão lại chui ra khỏi đó và nhìn về phía bãi sông xa xa. Toán người nhấp nhô ở phía bãi bên kia, còn phấp phới màu cờ, màu áo tang. Giống y như bao đám đưa ma khác trên đất làng quê miền bắc này, những nơi mà lão đã đặt chân qua. Lão thấy có gì đó chạy dọc từ sống lưng, nước mắt lại ứa ra. Chân lão cứ đi dần ra phí sông theo hướng tiếng kèn. Cuộc đời lão đã đi nhiều, ở nhiều, nhưng nơi lão đến ấy đâu có phải làng quê của lão đâu. Lão thấy đời lão tủi hổ nhất là điều lão không biết làng quê của mình, bố mẹ, ông bà hay anh em họ hàng cũng không. Lão chỉ nhớ là ngôi làng lão sinh ra có cái cây đa ở đầu làng, có cả cái cổng làng to đùng, và cũng chỉ biết nó mang máng như thế vì lão còn bé quá. Đó là những gì lão còn nhớ ngay từ khi rời làng cho đến bây giờ, vẫn y nguyên, còn rõ ràng chính xác thì lão không nhớ tí gì thêm trong đầu cả. Lão bị bán đi, bị bỏ rơi, bị đánh đập, đi ăn mày, rồi làm thuê..., thế mà đã ngót sáu chục năm rồi chứ ít ỏi gì. Lão thấy thời gian nó nhanh quá.
- Kìa bác Dềnh, bác đi đâu đấy?
Lão giật mình, thì ra đó là vợ chồng anh Thái đang đậu thuyền ở bờ, thấy lão đi lẫn cẫn xuống sông thì hỏi. Lão chỉ về phía bờ bên kia.
- Bên ấy lại có người chết, đám đưa đông quá chú nhỉ?
- Vâng. Sớm mai bác có đi chợ không thì bác gọi em với. Mùa này xoài về nhiều nên đông người gánh thuê bác nhỉ?
- Có, có! Tôi muốn đi chứ... Giá tôi cũng được thế thì toại nguyện quá!
Lão nói như chỉ mình nghe rồi lẩm bẩm trở lại lều, lão vẫn ngoái đầu nhìn về phía bờ bên kia. Cái nhìn đầy thương cảm của vợ chồng người thuyền chài vẫn theo lưng lão.
Hôm rồi, lúc đi qua chợ, lão ngồi ở quán nước chè xanh và được một bà cụ mời ăn trầu, lão vui quá cảm ơn bằng giọng kính cẩn: “Con xin cụ” và mang miếng trầu về lều. Lão không phải người nghiện trầu nhưng được người khác mời ăn khiến lão vui mấy ngày. Ngày nào lão đi chợ về cũng ngắm nhìn miếng trầu, rồi lại đặt vào cái khay cẩn thận như một vật quý. Miếng cau đã khô cong lại, có vài vết mốc xám, miếng trầu thì khô đen, vôi khô vãi vụn xuống tay lão khi lão cầm. Tiếng kèn đưa đám vẫn còn ỉ ê, lão nghĩ, nếu mà được đi tiễn đưa người xấu số thì thể nào người ta cũng mời lão miếng trầu tươi hoặc một phát kéo thuốc lào cùng mấy ông thợ nhạc hiếu Lão nhớ, lúc còn bé cũng được đi xem đám ma của một người giàu có, và lão cũng tò mò vớ lấy cái kèn thổi toe toe, rồi lấy chiếc tù và phồng hết cả gân cổ để thổi mà nó chẳng phát lên tiếng. Lão cười nhẹn ngào một mình với ý nghĩ miên man, lão thấy mình thèm cái điều ấy. Nỗi thèm đau đớn trong ánh mắt ngấn lệ lưng tròng.

*   *   *
Anh vẫn còn sướng hơn tôi chán, có vợ có con thế cũng là được rồi. Lão uống ngụm trà rồi lại quay sang nhìn Thái. Vẫn biết là cháu sướng hơn bác chỗ ấy, nhưng nghĩ đời cháu thì cũng chẳng hơn bác là bao. Như bác, một thân một mình chẳng phải lo toan con cái nheo nhóc, bác tính không biết khi nào cháu mới đưa vợ con cháu lên bờ để ở, cứ nay đậu bến này, mai đậu bờ khác. Khổ nhục lắm bác ạ. Sông cạn, nước đen ngòn, cá không sống nổi thì bác bảo sao mà nuôi vợ nuôi con. Thân cháu ra sao thì ra, còn mấy đứa trẻ có tội gì đâu, chỉ thương chúng đầu thai nhầm vào cái thuyền chài kia để đời chúng phải khổ. Nghe lời bộc bạch của Thái, gương mặt trải đời của lão nheo lại, như một người thông hiểu. Lão nhìn xa xa bên bãi sông, làn khói trắng đốt rơm rác bốc lên cao, cao dần và tan biến trong khoảng trời rộng thênh thang. Lão nói với giọng ngậm ngùi. Cả đời tôi đi ở đợ, làm thuê cuốc mướn đến gù cả lưng, cho đến bây giờ cũng vẫn trắng tay, chẳng có người nào thân thích. Lão nói xong thì ngước nhìn lên những đám vẩn mây loãng kéo dài qua bãi sông. Thái không hỏi cũng không nói, châm điếu thuốc lá hít  và thở một hơi dài thườn thượt. Thái cũng nhìn về phía bãi sông trước mặt, có lẽ ông lão đang khóc. Sự im lặng trôi một hồi, Lão lại nói, nhiều lúc tôi thấy tủi thân cho cái sô hẩm hiu này, chỉ ước ao mình ngủ một giấc khi mở mắt ra mọi chuyện sẽ thay đổi, nhưng đời đâu có phải mơ, cứ thế mà sống, sống rồi rồi lại muốn mình mơ. Mà dạo này tôi toàn mơ đến làng quê của tôi, nhưng lúc tỉnh nghĩ lại thì đó toàn là những nơi mình đã sống khổ sở ở đó. Lão lại ho sặc sụa, cơn ho rút không khí từ trong phổi đến thắt lại, khô khan, đau nhói. Lão trở vào cái lều để lấy mấy viên thuốc mua hôm trước. Thái nhìn lão chui vào lều và đứng dậy đi về. Bãi sông buổi chiều ẩm đạm, nặng nề. Gió vẫn vù vù móc vào chiếc lều ọp ẹp đang rung rung, héo hắt, tàn tạ.
Hôm sau, lão nói với vợ chồng Thái cho lão mượn cái thuyền con để lão sang bên bãi bên, hai đứa con của Thái cũng đòi đi cùng. Lão thấy vui vui. Đi đến bờ, Lão chưa kịp bước lên khỏi thuyền thì lại ho, thấy buồn buồn ở cổ họng và nhổ ra, ít máu tươi như vết bã trầu nóng ran. Hái đứa bé thấy lão nhổ ra máu, vết máu nổi theo nước bọt như một mảng bèo tấm kết lại, dập đờ trôi ngược mép bờ sông. Ông sao thế, ông bị gãy răng à? Lão vẫy vẫy ra hiệu cho bọn trẻ đi trươc. Không, vừa nãy ông ăn miếng trầu cay mà. Đứa bé hơn tò mò. Ăn trầu cay mà đỏ như máu, thế trầu cay có cay như ớt không hả ông? Đứa lớn hơn nói. Mày ngu lắm, cay như ớt thì ai mà ăn được, ăn trầu giống như bà béo ở quán bán bỏng ngô ấy, đỏ hết cả mồm. Lão vội quệt tay lên cái miệng. Cơn ho liên tiếp khiến toàn thân lão run bần bật, chiếc thuyền chòng chành chao đảo. Hai đứa trẻ hoảng hốt gọi bố mẹ chúng.
   
Lão lại nằm bệt ở cái lều của mình, gió vẫn thò vào chỗ bạt rách mà khua khoắng. Tiếng con tàu chạy lần một cũng khá lâu, lão nghe bước chân người đi tới lều, dừng lại và lại bước vội đi. Lão cứ thế bật khóc rưng rức. Tiếng con tàu chạy qua con sông lần hai tút còi nghe sao khô khan, lạnh lẽo. Rồi tiếng tàu cũng tắt lịm, chỉ có tiếng gió, tiếng thở và tiếng ho của lão. Lão cố không nghĩ ngợi vẩn vơ nhưng âm thanh kèn đưa đám vẫn luẩn quẩn bên tai. Lão thấy mọi người đi đằng sau rất đông, họ mời nhau miếng trầu tươi, buồn bã. Có giọt nước mắt chảy từ phía đuôi mắt của lão.
Chợ sớm đã tan từ lâu. Tiếng còi tàu vang, đó là tuyến tàu Bắc – Nam đang lao đi trên cầu. Từ trên tàu mọi người nhìn xuống thấy một con thuyền lớn có nối theo một con thuyền nhỏ, gần trên bờ có một túp lều chơ vơ, hoang lạnh. Phía xa xa, khói trắng bay vút lên trời. Hai hành khách trẻ thốt lên: “Nhìn cảnh thơ mộng quá em nhỉ!”.



                                                                                                Hà Nội, Long Biên 12.10